Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế
Cơ quan thuế đang rốt ráo chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử. Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, trong tháng 12 sẽ thí điểm hoàn thuế điện tử tại 13 địa phương cho một số đối tượng và đến tháng 3/2017 sẽ mở rộng ra cả nước.
Cùng với thanh tra, kiểm tra, thì hoàn thuế là một trong hai nội dung thường bị doanh nghiệp than phiền nhiều nhất, thưa bà?
Hiện tại, để được hoàn thuế, doanh nghiệp phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đem đến cơ quan thuế.
Thông thường, doanh nghiệp đem trực tiếp hồ sơ hoàn thuế đến bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế. Sau khi nhận hồ sơ, bộ phận “một cửa” kiểm tra, nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì thông báo, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ và sau khi bổ sung hồ sơ, doanh nghiệp lại phải lên cơ quan thuế.
Nếu không muốn nhận thông báo liên quan đến xử lý hồ sơ và quyết định hoàn thuế qua đường bưu điện thì doanh nghiệp lại phải lên cơ quan thuế để nhận. Việc đi lại nhiều lần, cộng với thời gian chờ đợi có khi khá lâu trong trường hợp có nhiều người cùng đến cơ quan thuế để giải quyết thủ tục hành chính thuế, khiến doanh nghiệp cảm thấy bị ức chế nên có lúc, có nơi than phiền.
Bà có nghĩ rằng, triển khai hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử sẽ khắc phục được tình trạng này?
Thực hiện hoàn thuế điện tử, doanh nghiệp không phải trực tiếp đến cơ quan thuế, mà toàn bộ hồ sơ hay các thông báo của cơ quan thuế về việc tiếp nhận hồ sơ, thông báo thời gian trả kết quả giải quyết hồ sơ, thông báo đề nghị bổ sung hồ sơ, thông báo về việc hồ sơ không thuộc diện hoàn thuế hay hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, quyết định hoàn thuế... đều được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chỉ cần truy cập vào cổng thông tin này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể biết được hồ sơ của mình đang được xử lý ở giai đoạn nào, nên chắc chắc sẽ không còn tình trạng than phiền về việc hoàn thuế nữa.
Ngoài ra, toàn bộ phản hồi của cơ quan thuế tới doanh nghiệp cũng được gửi qua email mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thuế khi đăng ký kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, nên mỗi khi có thông báo của cơ quan thuế, doanh nghiệp sẽ biết ngay qua smartphone.
Nói một cách ngắn gọn là hoàn thuế điện tử sẽ rút ngắn được thời gian hoàn thuế, thưa bà?
Như tôi đã nói, toàn bộ giao dịch giữa cơ quan thuế với doanh nghiệp trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế đã được điện tử hóa nên doanh nghiệp không mất thời gian, công sức đến cơ quan thuế, bởi vậy chắc chắn giảm được thời gian không đáng có. Nhưng hoàn thuế vẫn phải bảo đảm theo đúng quy trình, thủ tục.
Cụ thể, đối với hồ sơ thuộc diện hậu kiểm (hoàn thuế trước, kiểm tra sau) thì chậm nhất là 6 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan thuế phải ra quyết định hoàn thuế. Đối với hồ sơ thuộc diện tiền kiểm (kiểm tra trước, hoàn thuế sau) thì chậm nhất là 40 ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo cho người nộp thuế lý do không hoàn thuế.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trước thời điểm 1/7/2013, thời gian hoàn thuế đối với trường hợp hậu kiểm là 15 ngày và trường hợp tiền kiểm là 60 ngày và cũng kể từ 1/7/2013, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2012 thì quá thời hạn kể trên (6 ngày hoặc 40 ngày), nếu việc chậm ra quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn, cơ quan thuế còn phải trả tiền lãi cho người nộp thuế.
Vậy để được hoàn thuế điện tử, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện gì?
Chỉ cần doanh nghiệp đã thực hiện kê khai thuế điện tử, đăng ký nộp thuế điện tử. Đây là điều kiện rất dễ dàng vì hiện tại đã có 97% trong số hơn 560.000 doanh nghiệp đang hoạt động đã thực hiện kê khai thuế điện tử và 95% số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Khi đăng ký kê khai thuế điện tử, doanh nghiệp đã được Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế cấp tài khoản (ID) và doanh nghiệp tự lập mật khẩu (password). Khi đăng ký nộp thuế điện tử, doanh nghiệp cũng sử dụng luôn ID và password này. Bây giờ, khi đăng ký hoàn thuế điện tử, doanh nghiệp cũng sử dụng luôn ID và password đang sử dụng. Ngay cả địa chỉ email mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thuế khi đăng ký kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử cũng được sử dụng trong giao dịch hoàn thuế điện tử.
Hoàn thuế điện tử có nhiều tiện ích, vì sao mới chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu và dự án đầu tư mới, thưa bà?
Trong thời gian thí điểm, chúng tôi lựa chọn đối tượng được hoàn thuế điện tử đối với hoạt động xuất khẩu và đầu tư và cũng chỉ lựa chọn 13 địa phương để làm thí điểm gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Kon Tum, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Bình Thuận và Thái Nguyên. Trong đó, ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu, dự án đang trong giai đoạn đầu tư vì đối tượng này thường xuyên phải đến cơ quan thuế làm thủ tục hoàn thuế.
Cho dù chỉ lựa chọn doanh nghiệp xuất khẩu, dự án đầu tư, nhưng số hoàn thuế điện tử, số giao dịch hoàn thuế điện tử đã chiếm tỷ trọng rất lớn trong số thuế hoàn và số giao dịch hoàn thuế.
Vậy mục tiêu của ngành thuế đặt ra cho giai đoạn tiếp theo là gì, thưa bà?
Sau thời gian thí điểm hoàn thuế tại 13 địa phương, chúng tôi tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và đến tháng 3/2017 mở rộng hoàn thuế điện tử ra cả nước. Mục tiêu được chúng tôi đặt ra là vào cuối năm 2017 có 90% số hồ sơ hoàn thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử. Khi đó, 90% số doanh nghiệp ngồi nhà cũng sẽ được hoàn thuế, không phải mất thời gian, công sức đến cơ quan thuế, giảm được việc tiếp xúc giữa công chức thuế và người nộp thuế, qua đó cũng giảm được tiêu cực trong hoàn thuế.
Nguồn : Báo điện tử
Chia sẻ:
CHI NHÁNH CÔNG TY TNHH KẾ TOÁN KIỂM TOÁN VIỆT NAM TẠI HẢI PHÒNG
Địa chỉ: Số 269 Văn Cao, phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Email: vnaakt@gmail.com
Hotline: 0982.221.612
Tổng đài tư vấn 24/7: 0225.3615.956 Fax: 0225.3615.956
© Copyright CHI NHÁNH CÔNG TY TNHH KẾ TOÁN KIỂM TOÁN VIỆT NAM TẠI HẢI PHÒNG, 2016
Thiết kế bởi: Hpsoft.vn